Quyền được bảo vệ sức khỏe và tính mạng là nhóm quyền nhân thân quan trọng của mỗi cá nhân; không thể tách rời và chuyển giao cho người khác. Một khi tính mạng hay sức khỏe bị xâm phạm trái pháp luật; thì người có hành vi xâm phạm đến tính mạng; sức khỏe của người khác sẽ phải bồi thường thiệt hại.
1. Những vấn đề chung về thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm.
Thiệt hại là gì?
Thiệt hại là tổn thất về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân; tài sản, danh dự, uy tín của pháp nhân hoặc chủ thể khác được pháp luật bảo vệ.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là gì?
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất; là trách nhiệm bù đắp tổn thất về vật chất thực tế, được tính thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chỉ phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút.
- Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền cho người bị thiệt hại.
- Pháp luật dân sự quy định hai loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại là: trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
- Bồi thường thiệt hại phải có đầy đủ các điều kiện sau đây: có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật, có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại đã xảy ra, người gây ra thiệt hại có lỗi.
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm :
Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm:
Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại :
Theo quy định tại Điều 584 của Bộ Luật Dân Sự ( BLDS) thì:
Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự ( TNBTTH ngoài hợp đồng); chỉ phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
Phải có thiệt hại xảy ra:
- Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn hại về tinh thần.
- Thiệt hại về vật chất bao gồm;Thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm quy định tại Điều 590 của BLDS; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại Điều 591 của BLDS.
- Thiệt hại do tổn hại về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe bị xâm phạm mà người bị hại, hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích, người gần gũi nhất của người bị hại phải gánh chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm.
Phải có hành vi trái pháp luật:
Hành vi trái pháp luật là hành vi xử sự cụ thể của con người thực hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với quy định của pháp luật.
Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật:
Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Phải có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây ra thiệt hại:
- Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây ra thiệt hại cho người khác; mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn nhưng vẫn để mặc cho thiệt hại xảy ra.
- Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy tra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Hy vọng bài viết sẽ có ích cho bạn!
Mọi thông tin hỗ trợ pháp lý, vui lòng liên hệ thông tin sau:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907.299.951 (Mr. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu)
Email : nhatbinhlaw@gmail.com
Website: luatsurienghcm.com