Điều kiện để người nước ngoài kinh doanh bất động sản tại Việt Nam

    Câu hỏi: Tôi có bạn là người nước ngoài muốn tham gia kinh doanh BĐS ở VN với tư cách cá nhân. Chúng tôi muốn biết cần những điều kiện gì để một cá nhân là người nước ngoài có thể gia nhập được TT BĐS ở VN ? Cá nhân nước ngoài tham gia lĩnh vực này thì có những giới hạn gì? Ví dụ : phạm vi được phép kinh doanh và có được mua nhà đất không ?

    Cảm ơn câu hỏi của bạn đã gửi về cho chúng tôi, Luật sư Huỳnh Trung Hiếu - Trưởng Văn phòng Nhat Binh Law (NBL) tư vấn cho bạn như sau:

    1. Điều kiện để cá nhân nước ngoài kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.

    Tổ chức, cá nhân nước ngoài khi kinh doanh dịch vụ bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, đăng ký kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định của pháp luật và không được kinh doanh bất động sản trên danh nghĩa cá nhân. Cá nhân là người nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật. Đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản sẽ cần các điều kiện sau :

    "Điều 9. Điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh

    1. Nhà, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh phải có đủ các điều kiện sau đây:

    a) Có đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất trong giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất. Đối với nhà, công trình xây dựng có sẵn trong dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thì chỉ cần có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

    b) Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất;

    c) Không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

    2. Các loại đất được phép kinh doanh quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau đây:

    a) Có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

    b) Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất;

    c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

    d) Trong thời hạn sử dụng đất."

    "Điều 10. Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản

    1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

    2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.

    3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này."

    "Điều 11. Phạm vi kinh doanh bất động sản của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

    3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh bất động sản dưới các hình thức sau đây:

    a) Các hình thức quy định tại các điểm b, d, h khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này;

    b) Đối với đất thuê trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để kinh doanh theo đúng mục đích sử dụng đất."

    2. Các loại thuế phải đóng khi kinh doanh bất động sản ?

    Thứ nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp căn cứ theo khoản 1 điều 2 luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

    'Điều 2. Người nộp thuế

    1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

    a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;'

    Thứ hai là thuế giá trị gia tăng căn cứ theo Điều 3 luật thuế giá trị gia tăng 

                                

    "Điều 3Đối tượng chịu thuế

     Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này."

    3. Cá nhân thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Việt Nam có được mua nhà đất không ?

    Thứ nhất về việc mua đất :

    Theo quy định tại điều 5 Luật đất đai 2013 thì:

    “Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:

    1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);

    2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);

    3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;

    4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;

    5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

    6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

    7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.”

    Như vậy theo quy định trên thì người nước ngoài không được phép nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà sẽ được quyền sử dụng với các hình thức đó là: thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền một lần để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối; làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; hoạt động khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê.

    Thứ hai về việc mua nhà :

    Khoản 2 Điều 65  Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định “Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư thì được sở hữu nhà ở theo quy định của Luật nhà ở. Trường hợp mua nhà ở tại Việt Nam thì được sở hữu nhà ở theo quy định của Nghị Quyết 19/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam...”.

    Nghị Quyết 19/2008/QH12 quy định về các điều kiện để tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau căn cứ theo Điều 2 và Điều 3 nghị quyết 19/2008/QH12.

    1. Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó;

    2. Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng quyết định;

    3. Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu;

    4. Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam....”.

    Điều kiện để cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà: Phải là người đang sinh sống tại Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

    Như vậy với trường hợp của bạn bạn nếu thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại việt nam và đang sinh sống tại Việt Nam được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép cư trú từ 1 năm trở lên thì được quyền sở hữu nhà ở, thời hạn sở hữu tối đa là 50 năm sau 50 năm này người sở hữu nhà ở phải bán hoặc tặng cho nhà đó theo Điều 4 Nghị quyết 19/2008/QH.

    "Điều 4. Thời hạn được sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam  

    1. Cá nhân nước ngoài quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 của Nghị quyết này được sở hữu nhà ở trong thời hạn tối đa là 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Thời hạn này được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

    Trong thời hạn mười hai tháng, kể từ khi hết thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đối tượng quy định tại khoản này phải bán hoặc tặng cho nhà ở đó."

    Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật về thuế và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

    Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH

    Nhat Binh Law - NBL
    Add   : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
    Tel     : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907.299.951 (Mr. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu)
    Email : nhatbinhlaw@gmail.com
    Website: luatsurienghcm.com

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN