Hành vi thả rông chó, sẽ bị xử lý như thế nào?

    Câu hỏi: Thưa Luật sư! Chúng tôi ở quê nên hầu như nhà nào cũng nuôi chó trông nhà và đều thả rông cả. Tuy nhiên có một nhà ở ngoài đường lớn, có con chó rất dữ và nhà này thường xuyên vắng nhà nhưng vẫn thả rông chó ra ngoài đường. Các cháu nhỏ đi học về đều đi qua cổng nhà này và nhiều lần con chó ấy xông ra cắn các cháu. Có nhiều trường hợp người đi đường và cháu nhỏ bị đuổi cắn. Đã nhiều lần chúng tôi yêu cầu nhà đó nhốt chó lại nhưng chỉ được vài ngày là lại thả ra. Không biết với trường hợp này chúng tôi có thể làm gì để buộc nhà đó phải nhốt con chó dữ đó lại? Mong được Luật sư tư vấn!

    Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi, Với câu hỏi của bạn như vậy, Văn Phòng Luật Sư Nhật Bình (NBL) xin trả lời như sau:

    Nuôi chó trông nhà là một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta từ xa xưa, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, chó cũng là một loài vật nuôi có khả năng gây hại cho con người. Do đó, pháp luật cũng có các quy định về trách nhiệm của người nuôi chó đối với việc đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh. Cụ thể, Điều 5 Nghị định 05/2007 NĐ – CP của chính phủ về phòng, chồng bệnh dại ở động quy đinh như sau:

    Điều 5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi động vật

    1. Tổ chức, cá nhân nuôi động vật (sau đây gọi là chủ vật nuôi) phải tuân thủ các quy định về phòng, chống bệnh dại và hướng dẫn của cơ quan thú y trong việc xử lý ổ dịch theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này.

    2. Chủ nuôi chó phải thực hiện việc nuôi chó theo quy định tại Điều 6  Nghị định này và chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó.

    3. Chủ vật nuôi có chó, mèo mắc bệnh dại cắn, cào người phải bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật.

                                             

     Theo đó, gia đình nhà kia đã không thực hiện đúng trách nhiệm của người nuôi chó, thường xuyên thả rông, không có rọ mõm, không có người trông dắt khiến chó thường xuyên cắn người. Trường hợp này, việc nuôi cho của chủ nhà được quy định tại khoản 1,2 Điều 6 của Nghị định này như sau:

    Điều 6. Nuôi chó

    Chủ nuôi chó phải thực hiện các quy định sau đây:

    1. Đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.

    2. Xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt.

    Đối với trường hợp này, pháp luật quy định về các hình thức xử phạt như sau.

    Điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi "Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng”. Nếu chó gây thiệt hại tài sản cho người khác thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

    Đồng thời, Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau: 

    Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

    1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

    3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

    4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

     Như vậy, trong trường hợp này, mọi người đã nhiều lần yêu cầu gia đình kia chấm dứt hành vi vi phạm nhưng không được, nên anh và mọi người khác có thể báo lên Trưởng thôn, Trưởng ấp hoặc Tổ trưởng dân phố hoặc báo lên UBND xã, phường, thị trấn nơi gia đình kia cư trú để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật và yêu cầu gia đình bên kia có các biện pháp khắc phục để đảm bảo quyền và lợi ích cũng như sự an toàn cho những người dân xung quanh.

    Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH

    Nhat Binh Law - NBL
    Add   : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
    Tel     : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907.299.951 (Mr. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu)
    Email : nhatbinhlaw@gmail.com
    Website: luatsurienghcm.com

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN