Hộ kinh doanh và những vấn đề pháp lý liên quan!

    Câu hỏi: Hiện nay tôi có dự định thành lập hộ kinh doanh, tuy nhiên không nắm bắt được những vấn đề pháp lý liên quan đến hộ kinh doanh, Nay tôi muốn hỏi luật sư một số câu hỏi như sau:

    Thứ nhất: bên em sẽ nộp thuế môn bài dựa trên doanh thu, nhưng bên em mới thành lập thì sẽ dựa vào đâu để đóng thuế môn bài và phải nôp vào thời gian nào ạ?

    Thứ 2: Khi thành lập hộ kinh doanh cá thể có yêu cầu ngành nghề nào thì bắt buộc số vốn là bao nhiêu không ạ?

    Thứ 3: Người đứng đầu đăng ký kinh doanh hộ cá thể có được đứng đầu hộ kinh doanh cá thể ở địa điểm khác và các loại hình công ty khác không ạ?

                                                                    

    Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi qua địa chỉ http://luatsurienghcm.com, Với câu hỏi của bạn như vậy, Văn Phòng Luật Sư Nhật Bình (NBL) xin trả lời như sau :

    Hộ kinh doanh và những vấn đề pháp lý liên quan

    Theo quy định tại Điều 66 Nghị định 78/2015 thì: "Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.

    Về vấn đề thứ nhất, bên em sẽ nộp thuế môn bài dựa trên doanh thu, nhưng bên em mới thành lập thì sẽ dựa vào đâu để đóng thuế môn bài và phải nộp vào thời gian nào ạ?

    Đối với hộ gia đình thực hiện hoạt động kinh doanh, thuế môn bài sẽ được đóng căn cứ vào doanh thu. Mức thu lệ phí môn bài được nêu cụ thể tại Điều 4 của thông tư 302/2016 như sau:

    "Điều 4. Mức thu lệ phí môn bài

    2. Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

    a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm;

    b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 (năm trăm nghìn) đồng/năm;

    c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/năm.

    Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình tại khoản này là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

    Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra kinh doanh trong năm thì mức doanh thu làm cơ sở xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm tính thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

    3. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

    Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhưng không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm".

    Như vậy, theo quy định trên, doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với hộ gia đình là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Đối với hộ gia đình kinh doanh mới thành lập, nếu hộ kinh doanh của bạn được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; còn nếu hộ kinh doanh nhà bạn thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm. Còn nếu hộ gia đình bạn thực hiện hoạt động kinh doanh nhưng không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.

    Thời gian nộp phí môn bài được quy định tại Điều 5 Thông tư này. Theo đó, thời hạn nộp lệ phí môn bài của hộ gia đình chậm nhất là ngày 30 tháng 1 hàng năm.

    Trường hợp người nộp lệ phí môn bài là cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra sản xuất, kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng có phát sinh nghĩa vụ khai thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

    Thứ 2: Khi thành lập hộ kinh doanh cá thể có yêu cầu ngành nghề nào thì bắt buộc số vốn là bao nhiêu không ạ?

    Pháp luật không quy định về số vốn điều lệ đối với từng ngành nghề kinh doanh khi thành lập hộ kinh doanh. Đối với ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh, Điều 74 Nghị định 78/2015 quy định cụ thể như sau:

    "1. Khi đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

    2. Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

    3. Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra Thông báo yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật”.

    Thứ 3: Người đứng đầu đăng ký kinh doanh hộ cá thể có được đứng đầu hộ kinh doanh cá thể ở địa điểm khác và các loại hình công ty khác không ạ?

    Về vấn đề này, Điều 67 Nghị định 78/2015 quy định như sau:

    "2. Cá nhân, hộ gia đình quy định tại Khoản 1 Điều này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều này được quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.

    3. Cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại”.

    Như vậy, cá nhân là người đứng đầu đăng ký kinh doanh hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trên phạm vi toàn quốc và ngay khái niệm hộ kinh doanh cũng đã thể hiện là "Chỉ được kinh doanh tại một địa điểm”. Cá nhân đã thành lập hộ kinh doanh thì không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, hay thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được các thành viên hợp danh còn lại đồng ý. Tuy nhiên, do pháp luật không quy định nên người đứng đầu hộ kinh doanh có thể chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH hai thành viên trở lên;  hoặc cổ đông sáng lập của công ty cổ phần; hoặc chủ sở hữu công ty của Công ty TNHH một thành viên.

    Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH

    Nhat Binh Law - NBL
    Add   : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
    Tel     : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907.299.951 (Mr. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu)
    Email : nhatbinhlaw@gmail.com
    Website: https://luatsunhatbinh.com/

     

     

     

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN