Mạo danh ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    Công an quận Tân Phú, TP.HCM, khởi tố, bắt tạm giam với ba người trong đường dây mạo danh ngân hàng lừa đảo cho vay với lãi suất 0 đồng.

    Ngày 4/10, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú, TP.HCM, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hồng T (29 tuổi, tạm trú quận Bình Tân), Hoàng Anh T. (27 tuổi, ngụ quận Tân Phú) và Trần Văn Q (23 tuổi, ngụ quận Bình Tân) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Đây là đường dây chuyên mạo danh ngân hàng TPBank gọi điện cho người dân ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung để lừa đảo do Nguyễn Hồng T cầm đầu. Hoàng Anh  T.Trần Văn Q. được xác định có vai trò giúp sức.

    Công an quận Tân Phú cũng lấy lời khai, sàng lọc, xử lý với hàng chục người là nhân viên do T thuê mướn. Ngoài ra, hàng chục bị hại của đường dây cũng được công an lấy lời khai, điều tra làm rõ.

    Để phục vụ điều tra, Công an quận Tân Phú cũng kêu gọi những người là nạn nhân của T cùng đồng bọn hãy đến cung cấp thông tin để phục vụ công tác điều tra.

    Trước đó, như đã đưa tin, Công an quận Tân Phú phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM triệt phá đường dây chuyên gọi điện, giả mạo ngân hàng TPBank để cho vay với lãi suất 0 đồng.

    T đã thuê mướn tổng cộng 82 người làm việc tại căn nhà trên đường Trần Quang Quá (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) để phục vụ việc lừa đảo. Trong số này có 70 người được phân công nhiệm vụ liên lạc tư vấn dẫn dụ khách và 12 người làm nhiệm vụ tổng hợp số liệu bị hại, kiểm tra việc khách thanh toán phí bảo hiểm qua bưu điện.

    Hằng ngày, T sẽ cung cấp danh sách nhiều cá nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ) và kịch bản được soạn sẵn để liên lạc tư vấn, lừa đảo. Các nhân viên có nhiệm vụ mạo danh nhân viên ngân hàng TP Bank gọi điện để tư vấn, dẫn dụ khách vay vốn từ 20 đến 100 triệu với lãi suất 0%, đồng thời kiểm tra việc khách đóng phí bảo hiểm qua bưu điện. Đối với những nhân viên chưa quen thì được T in kịch bản để họ nhẩm thuộc, trả lời với khách hàng.

    Mỗi nhân viên hàng ngày sẽ gọi điện thoại cho khoảng 50 người. Trung bình khoảng 2 đến 3 nạn nhân sập bẫy. Các nhân viên sẽ được trả từ 8 đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, nếu dụ được thì mỗi khách sập bẫy sẽ được trả từ 100 đến 130 ngàn đồng/ nạn nhân. Nếu khách hàng đồng ý thì phải đóng tiền bảo hiểm từ 1,7 triệu đồng đến 3,9 triệu đồng tùy số tiền vay. Các nhân viên sau đó sẽ lấy thông tin khách rồi chuyển lại cho T để làm giả hồ sơ đồng ý cho vay vốn của ngân hàng TP Bank nhằm lừa đảo.

    Khi khách chốt vay, thì các nhân viên yêu cầu làm việc với bộ phận thẩm định và cung cấp các thông tin lý lịch liên quan để làm hồ sơ vay vốn, thẻ ATM. T nắm được các thông tin này thì làm hồ sơ, thẻ ATM giả và thuê dịch vụ chuyển phát nhanh tại bưu cục Minh Phụng (địa chỉ: 277 Hậu Giang, phường 5, quận 6) để giao hợp đồng giả kèm theo một thẻ ATM ngân hàng TP bank giả cho khách, đồng thời nhờ bưu cục thu hộ các khoản phí bảo hiểm tiền vay nói trên. Khi các nạn nhân nhận được hồ sơ, kiểm tra thấy các giấy tờ hợp đồng vay vốn và thẻ ATM giả. Tưởng là thật, và nộp phí bảo hiểm khoản vay từ 1,7 đến 3,9 triệu đồng thì chính thức bị lừa đảo.

    Bước đầu, Công an quận Tân Phú xác định đến thời điểm này, đường dây lừa đảo do T điều hành hoạt động từ khoảng đầu tháng 8-2022 đến nay. Số tiền mà bọn chúng chiếm đoạt của các bị hại trên khắp cả nước lên tới hơn 10 tỉ đồng, riêng số lượng bị hại tại địa bàn TP.HCM là khoảng 600 người.

    Theo quy định pháp luật, với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ đối diện với mức hình phạt như thế nào?

    Theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản cụ thể như sau:

    “Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

    b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ96.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Có tính chất chuyên nghiệp;

    c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

    d) Tái phạm nguy hiểm;

    đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

    e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

    4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

    a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

    b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

    5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

    Hi vọng bài viết này sẽ hữu ích cho bạn!

    Nếu có thắc mắc liên quan hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ, giải đáp.

    Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH

    Nhat Binh Law - NBL
    Add   : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
    Tel     : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
    Email : nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com

    Website: luatsurienghcm.com, luatsunhatbinh.com

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN