CHỬI BỚI, NHỤC MẠ NGƯỜI KHÁC TRÊN MẠNG XÃ HỘI BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

    Câu hỏi: Chị hàng xóm của tôi thường xuyên để rác trước cổng mà không cột miệng bịch làm cho rác nhiều lần bay sang nhà tôi. Thấy vậy nên tôi nhắc chị lần sau bỏ rác thì cột miệng bịch lại, chị liền nói to:“không thích”. Những ngày sau đó chị liên tiếp viết trạng thái trên Facebook với nội dung chửi bới, nhục mạ tôi với những lời lẽ hết sức nặng nề. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của tôi bởi có nhiều người lời ra tiếng vào khiến tôi vô cùng stress, có thời điểm bị trầm cảm. Luật sư cho tôi hỏi việc sỉ nhục tôi trên mạng xã hội thì có bị xử lý gì không?

    Trả lời:

    Với câu hỏi của anh/chị, Văn phòng Luật sư Nhật Bình có câu trả lời như sau:

    Hành vi của chị hàng xóm trong tình huống của anh/chị đã xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của anh/chị theo Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015). Theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 34 BLDS 2015, hàng xóm của anh/chị phải gỡ bỏ, cải chính thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của anh/chị đã được đăng tải trên Facebook. Ngoài ra, anh/chị cũng có quyền yêu cầu chị hàng xóm xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

    Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hành vi trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

    (i) Về xử phạt vi phạm hành chính:

    Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, chị hàng xóm của anh/chị có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

    Trong trường hợp, những thông tin mà chị hàng xóm đăng tải mà sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của anh/chị điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

     (ii) Về truy cứu trách nhiệm hình sự:

    Hành vi chửi bới, nhục mạ người khác trên mạng xã hội (Facebook) khiến anh/chị bị trầm cảm có thể cấu thành tội “Làm nhục người khác” quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS). Theo đó, người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

    Trong trường hợp của anh/chị, chị hàng xóm sử dụng mạng xã hội (Facebook) để đăng tải những nội dung nhục mạ anh/chị nên đã vi phạm tình tiết tăng nặng quy định tại điểm e khoản 2  Điều 155 BLHS, có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

    Khi phát hiện người khác có hành vi làm nhục anh/chị trên Facebook, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của mình và có chứng cứ chứng minh cho hành vi đó, anh/chị hoàn toàn có thể trình báo sự việc này đến cơ quan Công an tại nơi cư trú để được điều tra làm rõ.

    Cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm xác minh làm rõ đối tượng đã thực hiện hành vi và truy tố họ trước pháp luật.

    Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp được những thắc mắc của anh/chị!

     

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH

    Nhat Binh Law - NBL
    Add   :  125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
    Tel     :  +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
    Email:  
    nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com

    Website: luatsurienghcm.comluatsunhatbinh.com

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN