Lao động nữ có thể đi làm trễ hơn so với giờ làm việc Công ty quy định không?

    Câu hỏi: Vào khoảng 1 – 2 ngày của chu kỳ kinh nguyệt tôi có đi làm trễ 10 – 15 phút, có checking bằng vân tay. Công ty tôi quy định giờ làm việc bắt đầu từ 7h30. Cuối tháng tôi nhận thấy mình bị trừ lương với lý do “đi làm trễ”. Luật sư cho tôi hỏi Công ty trừ lương tôi như vậy có đúng không vì theo như tôi được biết pháp luật có quy định được phép đi làm trễ trong thời gian hành kinh? Tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

    Trả lời:

    Với câu hỏi của chị, Nhat Binh Law xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

    Đúng như hiểu biết của chị, pháp luật hiện nay có quy định về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ, trong đó có chăm sóc sức khỏe trong thời gian hành kinh của lao động nữ. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP:

    “…

    3. Nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ:

    a) Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động;

    b) Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;

    c) Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

    …”

    15 quyền lợi chỉ có ở lao động nữ

    Có thể thấy, thời gian đi trễ của chị vẫn nằm trong khoảng thời gian được nghỉ là 30 phút/ngày. Tuy nhiên, chị không trình bày rõ rằng chị có thông báo cho công ty biết về thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng trong thời gian hành kinh hay không và giữa chị và công ty có thỏa thuận rằng chị không có nhu cầu nghỉ không. Do đó, Nhat Binh Law xin đưa ra quan điểm tư vấn theo 02 trường hợp sau:

    Trường hợp 1: Chị có thông báo về thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng trong thời gian hành kinh; giữa chị và công ty không thỏa thuận rằng chị không có nhu cầu nghỉ.

    Trường hợp này công ty đã vi phạm quy định về Nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ. Theo đó, chị nên thỏa thuận với công ty về việc công ty sẽ trả lương cho chị tương ứng với khoảng thời gian mà đáng lẽ ra chị được nghỉ.

    Nếu công ty không đồng ý trả, chị có thể làm đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết, cụ thể: Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (căn cứ Điều 48, Điều 49 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

    Căn cứ theo điểm d khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng (đối với cá nhân vi phạm), trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt là 20-40 triệu đồng. Đồng thời, người sử dụng lao động còn bị buộc trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian hành kinh theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, công ty chị có thể bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm.

    Trường hợp 2: Chị không thông báo về thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng trong thời gian hành kinh; giữa chị và công ty có thỏa thuận rằng chị không có nhu cầu nghỉ.

    Trường hợp này công ty không vi phạm quy định về Nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 127 Bộ luật Lao động năm 2019 về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động, công ty không được cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. Theo đó, công ty không được phép trừ lương của chị với lý do đi làm trễ.

    Với hành vi khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật, căn cứ theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, công ty chị có thể bị xử phạt từ 05 – 75 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng lao động mà công ty vi phạm.

    Trên đây là quan điểm tư vấn của Nhat Binh Law đối với vấn đề pháp lý mà chị quan tâm. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào xin vui lòng liên hệ chúng tôi./.

     

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH

    Nhat Binh Law - NBL

    Add       :  125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM

    Tel         :  +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)

    Email    :  nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com

    Website: https://luatsunhatbinh.com

     

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN