Sử dụng lao động nước ngoài không có giấy phép lao động sẽ bị xử lý như thế nào?

     Câu hỏi: Xưởng cơ khí tôi nhập về lô máy móc, tôi đang muốn nhận 01 người lao động người Trung Quốc vào làm việc, tuy nhiên người lao động này không có giấy phép. Luật sư tư vấn cho tôi việc nhận người lao động này vào làm việc, nếu không có giấy phép sẽ bị xử lý như thế nào? Cảm ơn luật sư.

    Chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Văn phòng luật sư Nhật Bình. Đối với trường hợp của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

    Căn cứ pháp lý

    – Bộ luật lao động năm 2012

    – Nghị định 88/2015 sửa đổi bổ sung Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

    Quy định điều kiện lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

    Căn cứ Điều 169 Luật Lao động năm 2012 có quy định về lao động nước ngoài tại Việt Nam như sau:

    " 1. Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:

    a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

    b) Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;

    c) Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;

    d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp theo quy định tại Điều 172 của Bộ luật này.

    2. Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác và được pháp luật Việt Nam bảo vệ.”

    Do đó, với quy định pháp luật nêu trên cùng thông tin bạn cung cấp, người lao động Trung Quốc này không có giấy phép lao động theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 169. Vì vậy, người này không đủ điều kiện về lao động nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật. Nếu bạn nhận người lao động này vào làm việc sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

    Xử lý vi phạm về sử dụng lao động nước ngoài không giấy phép

    Căn cứ mục 15 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sử đổi bổ sung Điều 22 Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì hành vi sử dụng lao động nước ngoài không có giấy phép lao động bị xử lý như sau:

    "Phạt tiền người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn theo một trong các mức sau đây:

    a) Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người;

    b) Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 20 người;

    c) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 21 người trở lên”

    Như vậy, nếu bạn sử dụng người lao động Trung Quốc không có giấy phép lao động này vào cơ sở kinh doanh của bạn là hành vi vi phạm pháp pháp luật, bị phạt tiền từ 30.000.000. đến 45.000.000 đồng. Vậy nên, để người lao động nước ngoài được làm việc trong công ty của bạn, Bạn nên thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người đó sau đó mới mời họ về làm việc cho Công ty của mình. Nếu bạn gặp vướng vướng, khó khăn gì liên hệ đến chúng tôi. Chúng tôi thay mặt bạn thực hiện thủ tục cấp phép lao động cho người lao động nước ngoài tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Trên đây là tư vấn của Văn phòng luật sư Nhật Bình, Chúng tôi hi vọng rằng có thể giúp bạn hiểu biết về việc sử dụng người lao động có yếu tố nước ngoài đúng quy định của pháp luật. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng liên hệ chúng tôi.

    Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH

    Nhat Binh Law - NBL
    Add   : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
    Tel     : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907.299.951 (Mr. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu)
    Email : nhatbinhlaw@gmail.com
    Website: luatsurienghcm.com

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN