GIÁO VIÊN MẦM NON BẠO HÀNH TRẺ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

    Câu hỏi: Con trai tôi học mầm non, có hôm tôi đón cháu về thấy vết bầm tím nghĩ cháu chơi nghịch nên va đập. Một vài lần sau đó, tôi lại thấy một số vết bầm, xây xát ở vài nơi khác trên cơ thể cháu. Tôi hỏi một số phụ huynh khác thì cũng có một số bé bị trường hợp tương tự. Tôi nghi ngờ cô giáo đã đánh đập cháu nên đã đến hỏi cô giáo thì cô giáo nói là do cháu va đập vào bàn ghế. Luật sư cho tôi hỏi tôi nên làm sao? Cô giáo có bị xử phạt không? Nếu có thì xử phạt như thế nào?

    Trả lời:

    Với câu hỏi của anh/chị, Văn phòng Luật sư Nhật Bình có câu trả lời như sau:

    Theo Luật trẻ em 2016, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

    Dựa vào những tình tiết mà anh/chị cung cấp chưa thể kết luận rằng cô giáo có hành vi bạo hành con chị cũng như một số đứa bé khác. Trước tiên, anh/chị có thể đề nghị phía trường mầm non trích xuất camera để được biết rõ nguyên nhân hoặc nếu là nhóm trẻ tư thục của cô giáo thì chị đề nghị cô giáo trích xuất camera. Trường hợp nếu nhà trường hoặc cô giáo không đồng ý trích xuất camera thì anh/chị có thể làm đơn gửi đến cơ quan chức năng để có thể điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

    Trường hợp nếu giáo viên nơi con anh/chị đang học có hành vi bạo hành đối với con anh/chị:

    Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cô giáo đã vi phạm quy tắc ứng xử của giáo viên đối với người học, cụ thể: “Ứng xử với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.”

    Theo đó, giáo viên có thể bị xử phạt hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy tính chất và mức độ của hành vi:

    1. Xử phạt vi phạm hành chính: Căn cứ khoản 2 Điều 21 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, cô giáo của con anh/chị có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học.

    Ngoài ra, giáo viên còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng

    2. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Giáo viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể:

    (i) Trường hợp cô giáo bạo hành con anh/chị mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    - Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

    - Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

    - Có tổ chức;

    - Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

    - Có tính chất côn đồ.

    (ii) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

    - Phạm tội 02 lần trở lên;

    - Tái phạm nguy hiểm;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp tại khoản (i).

    (iii) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp tại khoản (i);

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp tại khoản (i).

    (iv) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

    - Làm chết người;

    - Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp tại khoản (i);

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp tại khoản (i).

    (v) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

    - Làm chết 02 người trở lên;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp tại khoản (i).

    (vi) Trường hợp chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

     

    Trên đây là phần giải đáp của Văn phòng Luật sư Nhật Bình, nếu có bất kỳ thắc mắc nào xin vui lòng liên hệ chúng tôi.

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH

    Nhat Binh Law - NBL
    Add   :  125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
    Tel     :  +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
    Email:  
    nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com

    Website: luatsurienghcm.comluatsunhatbinh.com

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN