Câu hỏi: Luật sư cho tôi hỏi trong bộ luật tố tụng hình sự có quy đinh dùng tiền để bảo đảm có nghĩa là gì? Nội dung cụ thể của việc đặt tiền để bảo đảm là như thế nào?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi qua địa chỉ “http://luatsurienghcm.com”, Với câu hỏi của bạn như vậy, Văn Phòng Luật Sư Nhật Bình (NBL) xin trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:
“1. Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.
2. Bị can, bị cáo được đặt tiền phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
b) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;
c) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam và số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.
3. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định về việc đặt tiền để bảo đảm. Quyết định của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
4. Thời hạn đặt tiền không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định tại Bộ luật này. Thời hạn đặt tiền đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù. Bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt.
5. Người thân thích của bị can, bị cáo được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chấp nhận cho đặt tiền để bảo đảm phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều này, nếu vi phạm thì số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Khi làm giấy cam đoan, người này được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến bị can, bị cáo.
6. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm.”
2. Bình luận quy định về đặt tiền để bảo đảm theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự do người có thẩm quyền áp dụng để thay thế biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo. Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn ít nghiêm khắc hơn tạm giữ, tạm giam, vẫn cần phải ngăn ngừa bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
Khi quyết định cho bị can, bị cáo, đặt tiền để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo.
Theo điều luật đang được bình luận, những người có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền để bảo đảm là:
– Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;
– Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự
các cấp;
– Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao;
– Hội đồng xét xử;
– Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa;
– Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp.
Trong trường hợp này quyết định về việc áp dụng biện pháp đặt tiền có giá trị để bảo đảm phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Khi quyết định cho đặt tiền để bảo đảm, cơ quan ra quyết định phải lập biên bản về việc đặt tiền để bảo đảm. Trong biên bản phải ghi rõ số lượng tiền, tên và tình trạng tài sản đã được đặt và giao cho bị can hoặc bị cáo một bản.
Điều luật quy định rõ trách nhiệm của bị can, bị cáo trong việc chấp hành các nghĩa vụ đã được cam đoan. Nếu bị can, bị cáo đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì số tiền đã đặt sẽ bị sung quỹ Nhà nước và trong trường hợp này bị can, bị cáo sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lại cho bị can, bị cáo số tiền đã đặt trong trường hợp họ chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan.
Tuy nhiên theo quy định tại khảo 2, Điều 3 Thông tư 17/2013 TTLT -BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định về những trường hợp không áp dụng biện pháp dùng tiền để bảo đảm:
Điều 3. Điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm
2. Không áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
b) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; phạm tội rất nghiêm trọng thuộc loại tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản;
d) Bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã;
đ) Bị can, bị cáo là người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
e) Bị can, bị cáo là người nghiện ma tuý;
g) Bị can, bị cáo là người tổ chức trong trường hợp phạm tội có tổ chức;
h) Hành vi phạm tội gây dư luận xấu trong nhân dân.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907.299.951 (Mr. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu)
Email : nhatbinhlaw@gmail.com
Website: luatsurienghcm.com