Chia di sản thừa kế đối với cán bộ, bộ đội từ miền Nam tập kết ra Bắc và lấy thêm vợ

    Câu hỏi: Trước năm 1957, ông ngoại tôi sống chung như vợ chồng với bà ngoại tôi ở trong miền Nam, có 01 người con chung là mẹ tôi. Sau đó, ông ngoại tôi thuộc diện bộ đội tập kết ra Bắc, có kết hôn với người khác vào năm 1975 nhưng không có con. Năm 1982 ông ngoại tôi trở về sinh sống với bà ngoại tôi. Vào năm 2001 thì ông ngoại tôi mất không để lại di chúc. Người vợ ngoài Bắc của ông ngoại tôi thời gian gần đây có yêu cầu bà ngoại và mẹ tôi chia di sản thừa kế của ông ngoại để lại cho người này, tuy nhiên bà ngoại và mẹ tôi không đồng ý. Đến nay thì người vợ ngoài Bắc của ông ngoại tôi khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế do ông ngoại tôi để lại là các nhà đất do ông ngoại tôi đứng tên. Luật sư cho tôi hỏi người vợ ngoài Bắc này của ông ngoại tôi có quyền được nhận di sản thừa kế do ông ngoại tôi để lại hay không?

    Trả lời:

    Với câu hỏi của anh/chị, Nhat Binh Law xin được giải đáp như sau:

    Thứ nhất, ông ngoại và bà ngoại của anh/chị có được công nhận là vợ chồng hợp pháp hay không?

    Tại điểm a) Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 về thi hành luật hôn nhân và gia đinh năm 2000 đã có hướng dẫn như sau:

    “3. Việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này được thực hiện như sau:

    a. Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;...”

    Theo quy định nêu trên, thực tế ông bà ngoại của anh/chị đã chung sống với nhau từ trước năm 1957 và có được một người con là mẹ của anh/chị, do đó ông bà ngoại của anh/chị  được công nhận là vợ chồng hợp pháp.

    Thứ hai, người vợ ngoài miền Bắc của ông ngoại anh/chị có được pháp luật thừa nhận là vợ chồng hợp pháp hay không?

    Tại khoản a) Mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thừa kế số 44-LCT/HDDNN8 ngày 10/9/1990 có quy định như sau:

    “4. VỀ NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT

    a) Trong trường hợp một người có nhiều vợ (trước ngày 13-01-1960 - ngày công bố Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 - đối với miền Bắc; trước ngày 25-3-1977 - ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước - đối với miền Nam và đối với cán bộ, bộ đội có vợ ở miền Nam sau khi tập kết ra Bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn sau không bị huỷ bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật), thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại, người chồng là người thừa kế hàng thứ nhất của tất cả các người vợ”.

    Như vậy, ông ngoại của anh/chị thuộc trường hợp là cán bộ, bộ đội có vợ ở miền Nam sau khi tập kết ra Bắc và lấy thêm vợ trước ngày 25/3/1977. Do đó, nếu người vợ ngoài Bắc của ông ngoại anh/chị có giấy hôn thú và việc kết hôn giữa hai người không bị hủy bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì người vợ ngoài Bắc này của ông ngoại anh/chị được pháp luật thừa nhận và sẽ thuộc vào hàng thừa kế thứ nhất của ông ngoại anh/chị (ngang hàng với bà ngoại và mẹ của anh/chị).

    Thứ ba, việc yêu cầu phân chia di sản thừa kế do ông ngoại anh/chị để lại của người vợ ngoài Bắc liệu có còn trong thời hiệu khởi kiện?

    Thời điểm mở thừa kế là lúc ông ngoại của anh chị chết vào năm 2001, lúc này thì Bộ luật Dân sự năm 1995 đã có hiệu lực. Theo quy định tại Điều 648 BLDS năm 1995 như sau:

    “Điều 648. Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế

    Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

    Tuy nhiên, thời điểm hiện tại thì Bộ luật Dân sự năm 2015 đang có hiệu lực và tại điểm b) khoản 1 Điều 688 BLDS năm 1015 có quy định như sau:

    “Điều 688. Điều khoản chuyển tiếp

    1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:

    ...

    b) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này;

    ...”

    Thực chất phân chia di sản thừa kế chính là giao dịch dân sự của nhiều chủ thể nên phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao dịch dân sự. Vì di sản thừa kế của ông ngoại anh/chị để lại vẫn chưa được phân chia và từ thời điểm mở thừa kế đến thời điểm người vợ ngoài Bắc của ông ngoại anh/chị yêu cầu chia di sản thừa kế vẫn chưa có bất kì một thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cũng như khai nhận di sản thừa kế nào diễn ra.

    Việc phân chia di sản thừa kế của ông ngoại anh/chị để lại là một giao dịch dân sự chưa được thực hiện, có nội dung và hình thức hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

    Do đó, hoàn toàn có thể áp dụng quy định về thừa kế của Bộ luật Dân sự năm 2015 vào yêu cầu phân chia di sản thừa kế do ông ngoại anh/chị để lại.

    Theo đó, thời hiệu thừa kế được quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 như sau:

    “Điều 623. Thời hiệu thừa kế

    1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế....” 

    Như vậy, theo quy định nêu trên, di sản thừa kế là các nhà đất do ông ngoại anh/chị chết để lại là bất động sản. Do đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản của ông ngoại anh/chị chết để lại là 30 năm. Từ thời điểm mở thừa kế là năm 2001 cho đến nay vẫn chưa quá 30 năm, việc yêu cầu phân chia di sản thừa kế do ông ngoại anh/chị để lại của người vợ ngoài Bắc vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện.

    Từ những phân tích nêu trên, nếu người vợ ngoài Bắc của ông ngoại anh/chị có giấy hôn thú và việc kết hôn giữa hai người không bị hủy bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì sẽ có quyền được nhận di sản thừa kế do ông ngoại anh/chị chết để lại.

    Trên đây là toàn bộ quan điểm tư vấn của Nhat Binh Law đối với vấn đề pháp lý của anh/chị. Trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào xin vui lòng liên hệ chúng tôi để được giải đáp.

    Trân trọng./.

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH

    Nhat Binh Law - NBL

    Add    :  125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM

    Tel     :  +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)

    Email :  nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com

    Website: https://luatsunhatbinh.com/

     

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN