Vợ không tạo ra thu nhập có được thừa kế tài sản chung vợ chồng? Pháp luật quy định như thế nào?

     Câu hỏi: Vợ chồng tôi lấy nhau từ năm 2012 đến nay được 5 năm, chúng tôi ở riêng với bố mẹ chồng và sống hạnh phúc, giữa năm 2017 chồng tôi gặp tai nạn giao thông nên đã mất và không để lại di chúc gì. Thấy vậy, mẹ chồng tôi đuổi tôi ra khỏi nhà riêng của hai vợ chồng (là do gia đình chồng tặng cưới và nội thất cũng là do chồng tôi sắm sửa do tôi chỉ ở nhà nội trợ, không có thu nhập) và cho rằng tất cả tài sản trong suốt thời kỳ hôn nhân là của chồng tôi chứ không phải của tôi, vì vậy, gia đình nhà chồng đòi lấy lại hết tài sản. Vậy luật sư cho tôi hỏi nhà chồng tôi nói như vậy có đúng không?

    Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi, Với câu hỏi của bạn như vậy, Văn Phòng Luật Sư Nhật Bình xin trả lời như sau:

                                               

    Trước hết, khi chồng bạn chết thì quan hệ hôn nhân vợ chồng sẽ chấm dứt. Sẽ có 2 trường hợp xảy ra đó là chồng bạn để lại di chúc hoặc không để lại di chúc. Theo Điều 66, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa tuyên bố là đã chết như sau:

    1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

    2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

    3. Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

    4. Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.

    Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ do bên còn lại còn sống quản lý. Những loại tài sản được coi là tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại Khoản 1, Điều 33, Luật Hôn nhân và Gia đình bao gồm:

     Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

    Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

    Trong trường hợp của bạn, căn nhà là quà cưới mà vợ chồng bạn nhận được trong thời kỳ hôn nhân, vì vậy, đây được coi là tài sản chung vợ chồng, những vật dụng gia dụng trong gia đình cũng được coi là tài sản chung, phục vụ cho cuộc sống của hai vợ chồng. Ngoài ra chồng bạn lại không để lại di chúc, như vậy, những tài sản này sẽ do bạn quản lý và không liên quan đến việc đây là tài sản chỉ do gia đình nhà chồng tặng và chồng bạn mua sắm. 

    Nếu chồng bạn có tài sản riêng thì di sản đó sẽ được chia theo quy định của pháp luật dân sự với các hàng thừa kế được quy định tại điều 676 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

    1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

    a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

    3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH

    Nhat Binh Law - NBL
    Add   : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
    Tel     : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907.299.951 (Mr. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu)
    Email : nhatbinhlaw@gmail.com
    Website: luatsurienghcm.com

     

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN